Nhà đoan, thuế muối, rượu cồn là tên tuyển tập các bài viết được dịch và trích dịch từ các cuốn sách viết về Việt Nam thời kỳ đầu thế kỷ 20 của bốn nhà văn, nhà báo, nhà sử học người Pháp Louis Roubaud, Roland Dorgelès, Léon Werth và Michel Đức Chaigneau. Những trí thức này, người chỉ ghé ngang một thời gian ngắn, người ở lại nhiều ngày, lại có người gắn bó hàng chục năm trời, qua ngòi bút của mình, bằng rất nhiều tình cảm yêu mến, thán phục, đã miêu tả lại khi thì cuộc đấu tranh không khoan nhượng của người An Nam trước thực dân Pháp đô hộ, lúc thì cuộc sống thường ngày với những phong tục tập quán vừa lạ vừa đáng trọng và phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp hữu tình.
“Họ không biết gì về sự mềm dẻo trong thái độ lịch sự An Nam. Họ không hiểu rằng thái độ ấy mang tính hữu cơ, rằng nó không phải thứ trang phục được khoác lên trong các buổi lễ rồi cởi ra lúc ở chốn riêng tư. Cần bao nhiêu thế kỷ nữa châu Âu mới học được rằng lịch thiệp không phải một nghi thức bề ngoài, và rằng mọi thứ đức hạnh đều có thể quy về phép lịch thiệp giữa con người với con người? Với tôi, dường như lúc này châu Âu thật buồn cười, nó nghĩ mình dung dị lắm khi đã dân chủ hóa những dấu hiệu bên ngoài của phép lịch sự.”
- Những cuộc du ngoạn, Léon Werth
Bình luận